Trồng cây trên... mái nhà
Nếu chúng ta biết tận dụng những nóc nhà cao tầng để trồng cây thì sẽ góp phần cải thiện môi trường sống ở các đô thị.
Ý tưởng dự thi của mình là “trồng cây trên mái nhà”. Đây là mô hình đã xuất hiện ở nhiều nước. Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một số công trình nhưng chưa phổ biến lắm.
Như các bạn đã biết, cây xanh có vai trò điều hòa không khí rất quan trọng đối với môi trường. Đặc biệt ở các đô thị lớn, nhiều tòa nhà mọc lên, các hệ thống đường sá và cầu vượt chằng chịt được xây dựng. Khi đó, những khoảng không gian xanh bị thu hẹp. Thêm vào đó, dân số ngày càng tăng, để có đất xây nhà đủ để ở thôi cũng là quá khó thì chuyện có đất để trồng cây, làm một mảnh vườn nhỏ rất là xa xỉ. Nhưng nếu chúng ta biết tận dụng những nóc nhà cao tầng, bờ bo chân lan can cầu để trồng cây, vườn cỏ, những dải cây cảnh để trang trí. Diện tích cây xanh sẽ được tăng lên đáng kể góp phần cải thiện môi trường.
Ý tưởng sẽ mang đến rất nhiều lợi ích:
- Thay thế máy điều hòa, tiết kiệm chi phí và điện năng.
- Giảm hiện tượng đảo nhiệt thường xảy ra ở các đô thị lớn (có thể làm giảm nhiệt độ không khí gần bề mặt 16.4oC trên mỗi đơn vị diện tích), tác động đến nhiệt độ chung của đô thị.
- Giảm thiểu bụi và chất ô nhiễm nhờ khả năng lọc bụi, khói khỏi không khí và sự hấp thụ nitrat và chất ô nhiễm không khí của đất.
- Mái nhà xanh còn có thể hấp thụ 50 – 90% nước mưa, sẽ làm giảm nguy cơ ngập lụt và xói lở ở các đô thị, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh là nơi thường xuyên bị ngập lụt khi trời mưa lớn.
- Khả năng cách âm và nhiệt tốt.
- Mái nhà xanh bền hơn rất nhiều so với mái nhà thông thường.
- Tạo mĩ quan đô thị, cải thiện sức khỏe.
- Điều hòa chung cho mặt đất, hấp thụ ánh sáng mặt trời, thông qua sự quang hợp lấy đi khí cacbonic trong không khí, làm giảm hiệu ứng nhà kính, giảm bớt việc nóng dần lên của trái đất.
- Nếu khai thác được tối đa lợi ích của nhà mái xanh sẽ góp phần cải thiện môi trường sống của con người ngày một tốt đẹp hơn.
Cấu tạo của kết cấu mái nhà xanh: Bao gồm 7 lớp
- Lớp cây trồng.
- Lớp đất trồng.
- Cơ cấu lọc chất bẩn (lớp lọc nước).
- Lớp thoát nước.
- Lớp chống thấm.
- Panel đỡ
- Kết cấu mái đỡ.
Yêu cầu phải đảm bảo thiết kế:
- Kỹ thuật xây dựng: khả năng chịu lực, chống thấm, cấp thoát nước, tưới tiêu…
- Cây trồng phù hợp: chịu được nhiệt độ, sống được khi lớp đất ít, nhiều nắng gió, cây vươn không quá cao, không trồng các loại cây rễ cọc.
- Chế độ chăm sóc hợp lí.
Chi phí xây dựng:
- Lớp bê tông chính là sàn bê tông sân thượng của nhà.
- Lớp sơn chống thấm để nước không thấm xuống tầng dưới nhà (khoảng 230.000 – 280.000đ/1m2)
- Lớp Drain cell là hệ thống thoát nước ngầm, tấm E Drain 01 nhẹ, thoát nước tốt, không gây úng ( 350.000 – 380.000đ/1m2).
- Lớp vải địa kĩ thuật được chế tạo từ những sản phẩm phụ của dầu mỏ sẽ ngăn cho tầng đất cát phía trên không rơi xuống thoát nước của lỗ Drain Cell gây nghẽn hệ thống thoát nước (15.000 – 20.000 đ/1m2).
- Lớp cát sông lọc lại phần đất sét, ngăn không cho đất sét bịt kín các lỗ thoát nước của vải địa, giúp thoát nước tốt hơn.
- Lớp đất trồng dày hay mỏng tùy theo nhu cầu trồng loại cây cụ thể. Thường theo công thức là 2 phần đất, 2 phần cát sông, một phần hỗn hợp tro trấu xơ dừa đã hoai mục.
- Lớp cây trồng tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, ánh sáng và sở thích của gia chủ.
Theo Mực Tím
Thu Hà (ĐH Nông lâm TP.HCM)
Tiết kiệm diện tích ghê
Trả lờiXóacây cảnh trong nhà Hoàng Nguyên Green